Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tích cực chống tham nhũng
Tập Cận Bình (sinh ngày 1/ 6/1953) là nhà lãnh đạo quốc gia tối cao của Trung Quốc. Ông hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là nhân vật số một trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan thực quyền cao nhất của nước này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 31/7, với khát vọng để lại một di sản không thua kém cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và nhận thức được nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc "thập tự chinh" chống tham nhũng một cách quyết liệt, không khoan nhượng.
Cũng theo tờ báo này, vụ điều tra tham nhũng chống lại Chu Vĩnh Khang của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nét tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng nhà lãnh đạo Nga Vladir Putin từng tiến hành khi mới lên cầm quyền để củng cố quyền lực.
Vụ việc đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đóng vai kẻ đáng sợ nhất trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông tuyên bố sẽ nhổ tận gốc bất kỳ quan chức tham nhũng nào, dù cho người đó là “hổ” hay “ruồi”.
Có báo cáo cho rằng Tập Cận Bình dự định sẽ thay hàng trăm quan chức cũ bằng những người ủng hộ sẵn sàng thực hiện các thay đổi cơ cấu cần thiết để cân bằng lại nền kinh tế của Trung quốc.
Tuy nhiên, phạm vi và tác động của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã tạo ra những tác động không thể đoán trước. Trong 5 tháng đầu năm nay, gần 63.000 quan chức Trung Quốc đã bị khai trừ khỏi đảng.
Mặc dù hai vị chủ tịch tiền nhiệm (Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) đều phát động chiến dịch chống tham nhũng trong những ngày đầu nhậm chức, nhưng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của Chủ tịch Tập Cận Bình là chưa từng có cả về qui mô lẫn cấp độ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cũng cho rằng ông Tập Cận Bình sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ và cài đặt người của mình vào bộ máy cầm quyền.
Tướng Từ Tài Hậu và cựu quan chức cấp cao Bạc Hy Lai đã lần lượt "ngã ngựa"
Với việc xử lý kỷ luật nặng các cán bộ cao cấp bị nghi tham nhũng, ông Tập có thể cơ cấu người có tư tưởng đổi mới vào các vị trí chủ chốt trong đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), chính phủ và quân đội.
Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang của Đại học Chicago nhận định: “Tập Cận Bình rõ ràng đã nhìn thấy tham nhũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với đảng và đất nước, nhưng ông cũng thấy chống tham nhũng là một cách tốt để xây dựng danh tiếng của mình. Chiến dịch này chắc chắn giúp ông có thể cài đặt thêm nhiều quan chức theo ý muốn”.
Cuộc chống tham nhũng của Chủ tịch Tập khiến giới quan chức Trung Quốc “sống trong sợ hãi” và nơm nớp lo sợ “bị sờ gáy”.
Tờ Times of India (Ấn Độ) ngày 14/4 cho biết, các quan chức nếu bị buộc tội tham nhũng ở Trung Quốc thường bị công bố danh tính trên truyền thông nước này. Trong một số trường hợp, họ bị bắt đến đài truyền hình, thừa nhận tội lỗi trên sóng truyền hình.
Trong công cuộc cải tổ, chống tham nhũng của Tập Cận Bình, Trung Quốc đang chứng kiến hàng loạt những vụ quan chức tự tử khi đang bị điều tra tham nhũng.
Một giáo sư đại học, đại biểu quốc hội Trung Quốc, giấu tên tiết lộ với Times of India cho biết: “Các quan chức bị điều tra tham nhũng đã tự tử vì họ không thể chịu đựng sự hổ thẹn do bị các điều tra viên buộc phải khai ra hết bạn bè và người thân, họ chịu nhiều áp lực về mặt tinh thần trong quá trình điều tra”.
Xu Yean, Phó giám đốc Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo Trung Quốc, là một trong số những quan chức Trung Quốc tự tử. Hồi tháng 4, ông Xu (58 tuổi) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Điều lạ là ông Xu không bị điều tra tham nhũng, nhưng ông biết quá nhiều thông tin về công tác điều tra một vụ án tham nhũng mà ông có khả năng dính líu.
Sau đó không lâu, Tân Hoa Xã đưa tin, cảnh sát viên Zhou Yu ở thành phố Trùng Khánh, được cho là có quan hệ mật thiết với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (tù chung thân vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực), đã được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ ở một phòng khách sạn.
Mới nhất là vụ tự tử của ông Triệu Kỷ Lai, thanh tra của Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông này nhảy lầu tự tử chiều 30/7, ngay sau khi cơ quan chức năng bắt đầu mở cuộc điều tra tham nhũng tại địa phương hôm trước đó.
Ông Triệu Kỷ Lai là quan chức tự tử mới nhất. Ảnh: China News
Theo Tân Hoa Xã, các thanh tra viên của chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu kiểm tra các tỉnh phía Đông từ đầu tuần qua. Lo ngại chiến dịch này, riêng tháng 7, có đến 6 quan chức Trung Quốc tự tử, trong đó có 1 người từng bị cáo buộc nhận hối lộ. Phải chăng vì hổ thẹn mà nhiều quan chức Trung Quốc liên tiếp tự tử?
Trong khi đó, ông Nhân Kiến Minh, chuyên gia nghiên cứu về tham nhũng của Trường ĐH Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, nhận xét chiến dịch chống tham nhũng đang khiến quan chức Trung Quốc e sợ. “Chúng ta có thể thấy số lượng quan chức tự sát ngày một nhiều trong thời gian gần đây”.
Theo ông Nhân, tự tử có thể là một cách để quan chức bảo vệ gia đình và phe cánh. “Trong văn hóa Trung Quốc, người chết cần phải được tôn trọng. Vì vậy, sau cái chết, cuộc điều tra sẽ dừng lại” – ông Nhân giải thích.
Nhưng nhìn theo một chiều hướng khác, những gì ông Tập đang tiến hành khiến nhiều nhà phân tích tin rằng nó không giúp nhiều cho việc khiến chính phủ Bắc Kinh minh bạch hơn mà thay vào đó là các suy đoán hành động của Chủ tịch Trung Quốc xuất phát từ mục tiêu chính trị.
Steve Tsang, Viện trưởng Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh), cho biết Tập vừa muốn cải tổ đảng, vừa muốn tăng cường quyền lực cá nhân. Ông nói: “Tập Cận Bình rõ ràng muốn cả hai điều trên. Đó là sử dụng các chiến dịch chống tham nhũng để cài đặt người của mình và tăng cường năng lực kiểm soát của đảng . Hai điều này tương tác lẫn nhau trong việc hậu thuẫn vị thế, chủ trương của ông Tập”.