Một bài báo trên tờ Người Đưa Tin viết về bốn lãnh đạo trẻ tuổi ở Việt Nam, cho dù ngay sau đó đã bị rút xuống nhưng vẫn được lan truyền với tốc độ kinh hoàng trên mạng. Suy nghĩ chung của rất nhiều người là mỉa mai và không phục với cương vị mà họ đang đảm nhận. Vì với nhiều người, 4 vị lãnh đạo trẻ nói trên đều có điểm chung là con của những lãnh đạo cao cấp hiện nay. 3 người là con Ủy viên Bộ Chính trị và chỉ có một người duy nhất là Ủy viên Trung ương đảng nhưng lại chính là Trưởng Ban Nội chính đảng CSVN.
Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thanh Nghị là con của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Nguyễn Minh Triết đang là Phó Bí thư tỉnh đoàn Bình Định thì Nguyễn Thanh Nghị đang chễm chệ trên chiếc ghế Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang; Lê Trương Hải Hiếu là con của Bí thư thành phố Sài Gòn Lê Thanh Hải. Ông này đang là Phó Chủ tịch quân 1, một quận sầm uất, giàu có nhất Sài Gòn; Nguyễn Bá Cảnh là con của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Ông này đang được chỉ định làm Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ Đà Nẵng. Tất cả những người này đều đang nắm những vị trí lãnh đạo cao cấp tại địa phương. Riêng Nguyễn Thanh Nghị đang là Ủy viên Dự khuyết Trung ương đảng.


Dù là những đảng viên Cộng Sản, có những người cha là lãnh đạo cao cấp của nhà nước CSVN nhưng ở 4 vị lãnh đạo mà tờ Người Đưa Tin nói “đẹp trai như tài tử” này đều được cho đi du học ở những nước Tư bản mà không phải là những nước “Cộng sản anh em” như: Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba. Đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người thắc mắc, chính quyền CSVN phát động phong trào đấu tranh chống tự diễn biến, nhưng những người con của họ lại đi học ở những nước Tư Bản, thừa hưởng sự giáo dục của những nước ấy thì họ chống tự diễn biến như thế nào?
Song, cái mà nhiều người cho rằng nguy hại hơn ấy chính là không qua tuyển cử, họ được đặt vào những vị trí “ngon ăn”. Chính việc làm này đã cướp đi vị trí của những người khác có thực tài hơn. Nhưng biết làm sao được, trong một thể chế độc tài như ở Việt Nam, truyền thống “cha truyền con nối” luôn được chính quyền ưu tiên.
Trong bài báo trên tờ Người Đưa Tin cho dù không nói ra nhưng phần nào hàm chứa rằng, tuy các vị ấy có bằng cấp cao, được giáo thụ ở những nước nổi tiếng về giáo dục nhưng họ vẫn trở về quê hương để phục vụ đất nước. Và câu hỏi sẽ được đặt ra là, nếu họ không phải là con cái của những quan chức cấp cao trong lãnh đạo đảng CSVN thì họ có trở về để phục vụ đất nước? Câu trả lời được giải đáp trên tờ Infonet, “12/13 quán quân Olympia không về nước”.
Gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” đã trải qua 14 năm phát sóng ở Việt Nam. Đó là nơi quy tụ của những học sinh giỏi nhất cả nước tham gia để đoạt được giải thưởng sẽ là chuyến du học ở nước Úc. 12/13 quán quân của chương trình này đã chọn quốc gia sở tại hoặc những nước tiến bộ khác để phục vụ hoặc tiếp tục con đường học vấn mà không quay về Việt Nam. Chỉ một trường hợp duy nhất quay trở lại.
Họ không trở về nước vì ngại phải sống với cảnh sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về. Từ đó những ước mơ, hoài bão sẽ bị thui chột trong một quốc gia không chuộng nhân tài. Môi trường ở Việt Nam không khuyến khích sự cạnh tranh, và với những người có trí thức họ ngại phải gặp những thủ tục phức tạp, phải đút tiền chạy chọt để được vào làm việc trong những cơ quan nhà nước. Và nếu khi đã được vào làm rồi, họ lại phải gặp những vị thủ trưởng thiếu hiểu biết nhưng lại thừa sự độc đoán, tài năng của họ không được sử dụng vào đúng mục đích. Cho dù họ có chọn công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì ở một nước như Việt Nam không đủ những cơ sở vật chất để có thể cho họ nghiên cứu.

Sống ở môi trường tiến bộ, văn minh, những quán quân của “Đường lên đỉnh Olympia” thoải mái được là chính mình. Họ có thể phát biểu những suy nghĩ mà không sợ phải bị cấm đoán, bị vạ miệng. Trong khi đó nếu ở trong nước họ phải cẩn trọng lời nói, suy nghĩ cũng chẳng dám thổ lộ cùng ai. Hoặc phải nịnh bợ, nói dối với cấp trên để được lòng lãnh đạo.
Cách đây vài năm, chính quyền Việt Nam có một chương trình “trải thảm đỏ” hòng đón người tài về để phục vụ đất nước. Thế nhưng chương trình đó cũng chẳng đi đến đâu. Cũng chẳng có mấy nhân tài nào về nước. Có lẽ, với những gì đã xảy ra với Giáo sư triết học Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện… khiến cho những người có thực tài phải dè chừng, cẩn trọng trước những lời ngon ngọt của chính quyền CSVN.
Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng nhân tài của Việt Nam là trường hợp của ông Lê Bá Khánh Trình, ông này từng đoạt giải nhất trong kỳ thi giỏi toán quốc tế (Olympic) vào năm 1979. Sau đó ông được cho đi học tại Liên Xô và khi trở lại Việt Nam ông chỉ là một thầy dạy toán, hằng ngày phải đi dạy thêm như là một phương cách kiếm tiền. Tài năng của ông bị thui chột mà không có thêm những thành tựu mới nào. Người ta nhớ đến ông chỉ vì quá khứ huy hoàng và họ chạnh lòng vì cách sử dụng tài năng của chính quyền.
Chúng ta không trách vì sao những người tài lại không trở lại quê hương để cống hiến. Vì họ cũng như những người khác đều mưu cầu hạnh phúc, ổn định. Hơn nữa, với những người trí thức, họ cần một môi trường lành mạnh, bình đẳng để có thể phát huy hết năng lực của mình. Trong số 13 người quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” kia họ chẳng thể nào ngồi vào được chiếc ghế mà “4 vị lãnh đạo đẹp như tài tử” đang ngồi, bởi lý do rất đơn giản, họ không phải là “con ông cháu cha”, không phải là hạt giống đỏ để được cân nhắc. Những vị trí ngon lành đều đã được dành chọn cho những đứa con của lãnh đạo thì lấy đâu còn chỗ để cho nhân tài thi thố.
Đó cũng là bi kịch của Việt Nam vậy.
Người Quan Sát
Powered by Blogger.