Trong bối cảnh có những tranh cãi về môi trường và thời cơ để thành lập các phong trào đối kháng chính trị tại Việt Nam, thiết nghỉ chúng ta nên có chút thì giờ xem lại bài học kinh nghiệm của phong trào Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan.
Trong hơn 3 thập kỷ vừa đấu tranh vừa học hỏi, các phong trào phản kháng tại Ba Lan đã thử nghiệm tất cả các phương thức đề kháng, ở nhiều mức độ, nhiều giai đoạn khác nhau, để rồi kết quả của những năm tháng đấu tranh gian khổ đó là sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết vào tháng 8/1980.
Trong con đường đấu tranh của mình Công đoàn Đoàn kết đã tạo điều kiện cho các xu hướng chính trị khác nhau, các phong trào, các hoạt động dân chủ có cơ hội được quãng bá những quan điểm của họ đến công chúng Ba Lan, để rồi từ đó lan rộng trong dân chúng và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Công đoàn Đoàn kết đã tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc đấu tranh bất bạo động và tự kiềm chế. Chính hai đặc điểm này đã đóng vai trò quan trọng thu phục được sự ủng hộ của dân chúng Ba Lan và cuối cùng đưa đến việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình vào năm 1989.
Việc chuyển tiếp của Ba Lan từ một thể chế độc tài cộng sản đến một thể chế cộng hòa dân chủ, mang dấu ấn đầy huyền thoại của lòng yêu tự do và khát vọng dân chủ của người dân Ba Lan và cũng là một bài học đáng để cho người Việt Nam suy nghỉ.
Cho đến giữa thập kỷ 1970, các nhóm chống cộng tại Ba Lan đều rất nhỏ bé và không tập hợp được lại với nhau. Sự thiếu tổ chức thống nhất và liên minh đã dẫn đến sự thất bại của nhiều hoạt động chống cộng sản tại quốc gia này.
Trong năm 1956, công nhân xuống đường tại thành phố Poznan để yêu cầu những cải cách chính trị và kinh tế. Các cuộc biểu tình này bị chính quyền cộng sản đàn áp đẫm máu với hàng trăm người bị bắn chết. Nhiều trí thức “xã hội chủ nghĩa” của Ba Lan lúc đó vẫn hy vọng rằng có thể cải cách chế độ này từ bên trong và không đồng ý với những đòi hỏi cải cách triệt để của công nhân.
Trong năm 1968 sinh viên và giới trí thức cũng chịu cùng chung số phận khi đứng lên kêu gọi đảng cộng sản cải cách. Đảng dùng chính lực lượng công nhân để vô hiệu hóa các cuộc nổi dậy của giới trí thức. Các cuộc biểu tình cuối cùng bị đập tan trong biển máu.
Năm 1970 công nhân Ba lan lại biểu tình tại những thành phố cảng đòi tăng lương và cải cách chính trị. Lần này sinh viên và giới trí thức ở nhà chờ đọc tin biểu tình trên báo. Kết cuộc là 45 công nhân bị giết chết và hàng ngàn người khác bị thương.
Năm 1976 công nhân Ba Lan lại biểu tình chống vật giá leo thang. Hàng trăm công nhân bị bắt giữ. Tuy nhiên lần này giới sinh viên và trí thức vào cuộc. Trước đó giới trí thức Ba Lan đã hết sức bất mãn khi thất bại trong việc vận động sửa hiến pháp Ba lan vào năm 1975. Việc hiến pháp 1975 của Ba lan xác định vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản và thiết lập quan hệ đồng chí vĩnh viễn với Liên Xô đã được xem như là một hành động từ bỏ chủ quyền quốc gia của dân tộc Ba Lan.
Để tìm cách cứu hàng trăm công nhân Ba lan bị bắt giữ, giới sinh viên và trí thức thành lập Ủy ban Hộ trợ Công nhân Ba lan và gây quỹ hầu thuê luật sư bào chữa cho các công nhân trước tòa án của chế độ, đồng thời hổ trợ gia đình của những người bắt giam.
Một năm sau đó một nhóm đối kháng thành lập Phong trào Bảo vệ Nhân quyền nhằm buộc chính quyền cộng sản Ba lan phải thực thi Công ước quốc tế về nhân quyền mà Ba Lan đã ký.
Trong năm 1977 việc chính quyền ra lệnh giết hại một thanh niên chống cộng 23 tuổi đã làm giới sinh viên học sinh toàn quốc phẫn nộ, dẫn đến việc thành lập các tổ chức sinh viên độc lập bên ngoài Đoàn thanh niên cộng sản. Một hệ thống giáo dục “chui” được thành lập vào năm 1978 và bắt đầu giảng dạy những khóa học về lịch sử, văn hóa, triết học, xã hội học và kinh tế trong những căn hộ tư nhân hay trong các cơ sở của giáo hội. Cùng lúc hệ thống báo chí đối lập “chui” cũng phát triển rất nhanh. Vào cuối năm 1979 đã có hơn 400 ấn phẩm được phát hành và rất nhiều tạp chí định kỳ.
Năm 1978 cũng là năm hồng y Karol Wojtyla trở thành Đức giáo hoàng John Paul II. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý kể từ thế kỷ thứ 16. Khi Giáo hoàng về thăm quê hương vào năm 1979 nhân dân Ba Lan đón ngài bằng những đám đông vĩ đại tại các thành phố Warsaw, Krakow và Czestochowa.
Trong một bài diễn văn được truyền đi trên hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc gia, giáo hoàng đề cao nhân quyền và quyền được nói lên tiếng nói của lương tâm. Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Ba Lan cộng sản, những đám đông vĩ đại được tự do tụ họp mà không có sự can thiệp hay hiện diện của các lực lượng công an của chế độ.
Lần đầu tiên nhân dân Ba Lan ý thức được rằng sức mạnh của họ nằm trong số lượng quần chúng đông đảo, và khi cùng đứng lại với nhau mọi người không còn cảm giác sợ hãi nữa. Đến cuối những năm của thập niên 1970, các tổ chức tự phát của công nhân, trí thức, sinh viên, giáo hội và nông dân đã trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy những chuyển biến chính trị tại Ba Lan. Những cuộc tụ họp vĩ đại của nhân dân Ba Lan đã được “tự quản” bởi những lực lượng “cảnh sát nhân dân” nhằm không để cho lực lượng an ninh của chế độ có cơ hội can thiệp thô bạo nhưng đồng thời cũng không thách thức vị trí độc tôn của các lực lượng an ninh này. Quan trọng hơn hết là chủ trương tuyệt đối không bạo động đã làm cho công an của chế độ không có lý do nào để can thiệp.
Mùa hè năm 1980 những cuộc biểu tình vĩ đại phản đối tình trạng kinh tế trì trệ với sư tham gia của toàn thể mọi tổ chức quần chúng và giáo hội tại Ba Lan. Bắt đầu từ xưởng đóng tàu Gdansk dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa, một người thợ điện đã nhanh chóng lan truyền đến những nơi khác. Công nhân tự ý thành lập một tổ chức công đoàn độc lập có tên gọi là Công đoàn Đoàn kết. Trước làn sóng đấu tranh của công nhân và nhân dân Ba Lan, chính quyền cộng sản nhượng bộ bằng cách công nhân tính hợp pháp của công đoàn này vào tháng 9/1980. Đây là tổ chức công đoàn tự do ngoài đảng cộng sản đầu tiên trong thế giới các nước cộng sản.
Trong vòng vài tuần, số thành viên công đoàn chính thức lên đến 10 triệu người. 80% là nhân viên chính phủ, kể cả những đảng viên cộng sản. Ngày 13/12/1981 lo sợ sự lớn mạnh của phong trào Công đoàn Đoàn kết sẽ dẫn đến sự can thiệp quân sự của Liên Xô, giới quân nhân Ba Lan ban hành lệnh thiết quân luật. Ngay lập tức giới lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết bị bắt giam và tất cả những tổ chức đối kháng bị giải tán. Tuy nhiên lệnh thiết quân luật không giải tán được Công đoàn Đoàn kết. Hoạt động của Công đòan chuyển từ công khai sang bí mật.
Những lãnh tụ mới của Công đoàn tiếp nhận vị trí lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, vợ của những lãnh tụ bị bắt giam đứng ra điều hành hệ thống báo chí và các hoạt động khác của Công đoàn. Năm 1984 lệnh thiết quân luật được bãi bỏ và các lãnh tụ Công đoàn được trả tự do. Chính quyền cộng sản không đủ mạnh (hay không đủ quyết tâm) để tiêu diệt Công đoàn Đoàn kết, nhưng Công đoàn cũng chưa có những kế hoạch cụ thể để đứng lên dành chính quyền.
Hậu quả là từ 1982 đến 1988 Ba Lan ở trong tình trạng dỡ dỡ ương ương về mặt chính trị trong khi tình hình kinh tế càng lúc càng tồi tệ. Trong thời gian này chính quyền cộng sản Ba Lan nhận ra rằng họ không có khả năng tiến hành bất cứ cải cách kinh tế nào quan trọng. Cuối năm 1988 khi biểu tình liên tục xảy ra, đời sống xã hội càng lúc càng hỗn loạn, chính quyền cộng sản nhận ra rằng họ cần phải liên minh với Công đoàn Đoàn kết. Chính quyền cộng sản Ba Lan tái công nhận Công đoàn Đoàn kết và chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực.
Với chủ trương đấu tranh bất bạo động và liên minh với giáo hội Công giáo, Công đoàn Đoàn kết lúc đó chấp nhận hợp tác với chính quyền cộng sản, mặc dầu biết rằng làm như thế là mặc nhiên công nhận vị trí lãnh đạo của đảng cộng sản và chấp nhận cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Từ tháng 2/1989 đến tháng 4/1989 chính quyền cộng sản Ba Lan và Công đoàn thảo luận và cuối cùng đồng ý một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 6/1989. Tháng 8 năm đó thủ tướng không cộng sản đầu tiên Tadeusz Mazowiecki được quốc hội bổ nhiệm thành lập chính phủ với nhiệm vụ chính là cải cách kinh tế lẫn xã hội nhằm ổn định quốc gia.
Phương thức tranh đấu bất bạo động của Công đoàn Đoàn kết bao gồm truyền đơn, cờ, tang lễ có màu sắc chính trị, nghi lễ Công giáo, tranh ảnh cổ động, biểu tình, diễn hành, đình công, tuyệt thực. 400 tạp chí “chui” với ấn bản lên đến hàng triệu cuốn, đài phát thanh “chui”, phim “chui” bao gồm những phim ảnh và tài liệu hướng dẫn đấu tranh bất bạo động, các khóa học “chui” chuyên giảng dạy về khoa học xã hội và nhân văn, những nổ lực quốc tế hóa cuộc đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết và nhân dân Ba Lan.
Các phong trào đối kháng tại Ba Lan đã cần ba thập niên để vừa đấu tranh vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, vừa tạo dựng uy tín trong dân chúng. Kết quả của ba mươi năm đấu tranh đó chính là Công đoàn Đoàn kết. Chính quá trình đấu tranh tạo ra Công đoàn Đoàn kết chứ không phải Công đoàn lãnh đạo cuộc đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan.
Phải chăng Việt Nam có những điều kiện đặc biệt khác hẳn với Ba Lan? Điều đáng lưu ý là tự do và dân chủ là một tiến trình lâu dài của cả một dân tộc. Sự hình thành một đảng chính trị dân chủ xã hội hay một cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản không hẳn có thể tức thời mang lại dân chủ tự do cho nhân dân.
Tài liệu tham khảo
Aleksander Smolar, "Towards ‘Self-limiting Revolution: Poland 1970-1989" in Adam Roberts and Timothy Garton Ash, Civil Resistance and Power Politics: The Experience of Non-violent Action from Gandhi to the Present (Oxford University Press, 2009).
Grzegorz Ekiert and Jan Kubik, Rebellious Civil Society. Popular Protest and Democratic Consolidation in Poland, 1989-1993 (The University of Michigan Press, 2004).
Lech Walesa, The Road to Truth. Autobiography (Swiat Ksiazka, 2008)