Hôm qua, khi vấn đề biển Đông được đưa tin rầm rộ, nhiều đồng nghiệp của tôi – cùng là dân văn phòng – có phần ngơ ngác trước việc Trung Quốc đem dàn khoan ra biển. Có anh bảo, nếu muốn chống Trung Quốc, phải nhờ đến Mỹ hoặc Nga. Có anh bảo, nhờ đứa nào cũng thế thôi, mày nghĩ Mỹ tốt hơn Trung Quốc chắc? Có anh lại bảo Nga sẽ đến cứu mình…




Nhiều người chúng ta rất thực tế trong đời sống nhưng lại rất lý tưởng trong chính trị. Trong chính trị, vẫn còn một số người tin vào những điều cao cả như tình bạn, tình hữu nghĩ, tình đồng chí quốc tế, tình này tình nọ… Thậm chí anh bạn kia nghĩ rằng Nga sẽ đến cứu Việt Nam vì Việt Nam và Nga là bạn bè, vì hai bên có thiện cảm với nhau.

Nhưng chính trị tàn khốc hơn đời sống. Nhìn xem, các cường quốc có thể hành xử theo cách thô thiển và mất nết mà nếu là một người bình thường phải mặt dày lắm mới dám làm trong cuộc sống. Họ hành động thiếu văn hóa, nhưng họ được quyền làm vì họ là nước mạnh.

Cuộc chơi của các quốc gia có gì đó nguyên thủy hơn so với xã hội văn minh. Đôi khi nó giống cuộc chơi của các con thú biết nói tiếng người. Bạn hãy đọc lại thông tin về những cuộc chiến, những tranh chấp gần đây trên thế giới, hãy nhìn lịch sử không chỉ của các cường quốc mà còn của bất cứ quốc gia dù nhỏ yếu nào, bạn sẽ có cơ hội thấy điều đó. Ngay hành động của Trung Quốc cũng vậy.

Thế nhưng vẫn có những người tin rằng Nga sẽ đến cứu Việt Nam… Nếu như họ biết là, trong chính trị, không có bạn bè, chỉ có quyền lợi. Ngày xưa, chúng ta có bạn bởi chúng ta liên quan đến quyền lợi của họ. Khi quyền lợi mất thì quay lưng, hoặc trở mặt. (có thông tin cho biết sắp tới Nga và Trung Quốc sẽ chuyển vị trí tập trận chung – ban đầu là Biển Hoa Đông – sang Biển Đông)

Luôn luôn bất ngờ trước những suy nghĩ kiểu đó. Vậy nhưng trưa hôm qua mình đã được nghe hai lời mong ước như vậy. Ờ thôi thì việc đó cũng không hoàn toàn do trách nhiệm của họ. Đó là hậu quả của giáo dục. Có điều, nếu chúng ta còn mơ mộng, chúng ta sẽ còn vỡ mộng.

Chơi với Trung Quốc, Nga, Mỹ… đều có cái được và mất. Vấn đề là, với từng quốc gia, chúng ta được gì và mất gì. Và họ có thấy chúng ta đáng để quan tâm hay không. Đây là những điểm cần suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn. Không có lựa chọn hoàn hảo, nhưng sẽ có một lựa chọn tốt hơn những lựa chọn còn lại. Nhưng Việt Nam thì vẫn ngây thơ… Có thời chúng ta còn tin rằng Trung Quốc chỉ “đánh chiếm hộ Hoàng Sa” cho mình thôi cơ mà?

Căng thẳng biển đảo nổi lên đã vài năm, vụ việc hôm nay chỉ là hệ quả không thể tránh được. Chính quyền Việt Nam theo đuổi hướng ngoại giao hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, tuy nhiên điều đó lại làm cho Trung Quốc nghĩ rằng Việt Nam bạc nhược. Chúng ta đã cư xử như những người anh em với họ, nhưng lại làm họ hiểu lầm rằng chúng ta sợ hãi, nhút nhát. Việt Nam bắn sai tín hiệu, lại không có đồng minh, và đang phải chịu áp lực nặng nhất từ Trung Quốc trong số các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với họ. Họ chỉ dám luẩn quẩn quanh Senkaku, nhưng sẵn sàng cắm mốc và đưa giàn khoan vào giữa biển Việt Nam.

Có anh bạn nói: Không dựa vào thằng nào cả. Vì thằng nào giúp ta cũng chỉ vì lợi ích riêng! Nghe cứ như một lời oán trách vậy. Tôi xin bạn! Nếu chúng ta chờ đợi một ai đó đứng mũi chịu sào cho mình mà lại không muốn trao cho họ một thứ gì, vậy chúng ta là hạng người gì? Một kẻ ăn bám chuyên nghiệp, chỉ muốn nhận không muốn cho, thích mua sắm không phải trả tiền – một kẻ lừa đảo có hạng! Không ai thích giao du với hạng người như thế. Còn nếu có ai đó “vô tư” hoàn toàn trong việc giúp chúng ta “đỡ đòn”, chắc đó phải là kẻ điên.

Hãy học cách chơi sòng phẳng! Vì dù muốn hay không, với bất kỳ “bạn bè” nào, chúng ta cũng phải và nhất định phải trả giá. Chưa từng có quốc gia nào giúp Việt Nam một cách “vô tư” cả. Đã như thế và sẽ như thế. Không có gì là miễn phí!

Vậy phải chăng chúng ta có thể tự lực tự cường mà không cần ai giúp? Ở vị trí địa lý và trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, tôi nghĩ điều đó không đủ.

Powered by Blogger.